Những chiêu lừa đảo trong mua bán nhà đất – phần 2.
Nhà bị bán lúc nào không hay!
Tháng 7.2016, ông Nguyễn Quốc Vượng (ngụ Q.Bình Thạnh) đến Văn phòng đăng ký đất đai Q.Gò Vấp đăng ký biến động về một thửa đất ở P.12 do ông mua của ông Nguyễn Lộc Mẫn, bà Nguyễn Thị Bích Thủy. Qua đối chiếu hồ sơ lưu trữ, Văn phòng đăng ký đất đai Q.Gò Vấp phát hiện chủ thửa đất là ông Mẫn, bà Thủy đã bán lô đất này cho bà Bùi Thị Hoàng Oanh theo hợp đồng chuyển nhượng tại Phòng Công chứng số 5 (Q.Gò Vấp), đăng ký thay đổi chủ sở hữu ngày 16.5.2016. Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an TP.HCM giám định kết luận sổ hồng ông Vượng cung cấp là sổ thật nhưng ông Vượng bị 2 đối tượng chưa rõ nhân thân giả mạo ông Mẫn, bà Thủy lừa bán thửa đất trên cho ông; còn sổ hồng ông Mẫn, bà Thủy (chủ đất) sang nhượng cho bà Oanh là sổ giả. Nhưng làm thế nào tráo đổi được sổ thật và qua mặt được phòng công chứng hiện đang được cơ quan điều tra làm rõ.
Trước đó, tháng 8.2015, vợ chồng ông Nguyễn Thế Anh (ngụ P.14, Q.11, TP.HCM) ra phòng công chứng ký hợp đồng bán căn nhà số 341/M6 Lạc Long Quân, P.5, Q.11 cho một người khác thì tá hỏa vì căn nhà đã được bán, cập nhật sang tên cho một người tên V.Q.H vào tháng 5.2015. Ông Anh gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng và Công an TP.HCM xác định giấy chủ quyền ông Anh đang giữ là bản photocopy màu, sổ hồng ông H. đang cầm là sổ thật.
Theo đơn gửi Công an TP.HCM, ông Anh trình bày: Tháng 3.2015, có một phụ nữ đến thuê nhà của ông nhưng tìm mọi cách trì hoãn không ra phòng công chứng để ký hợp đồng. Sau đó lại có một phụ nữ khác đến hỏi mua nhà, thỏa thuận giá cả và xin bản photocopy toàn bộ hồ sơ gồm giấy chủ quyền nhà, hộ khẩu, CMND và giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng ông; đến ngày 21.4.2015, người phụ nữ này cùng một số người quay lại và yêu cầu ông Anh đưa bản chính giấy chủ quyền nhà ra để xem lại. Sau một lúc xem sổ rồi xem nhà, nhóm người này trả lại sổ cho ông bà và thoái thác không mua căn nhà nữa.
Là người mua nhà từ chủ sở hữu giả, ông H. cho biết vì thấy giá rẻ nên mua nhanh, gọn, khi đến nhận nhà thì thấy ông bà Anh không phải là người đã ký hợp đồng với mình. Hiện, căn nhà vợ chồng ông Anh vẫn đang quản lý, nhưng không thể cho thuê, mua bán gì được, vì đang chờ cơ quan chức năng làm rõ.
Trường hợp khác lừa tráo sổ tinh vi hơn. Tháng 4.2016, ông Nguyễn Văn Hồng (ngụ xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) thỏa thuận bán một thửa đất trồng lúa tại xã Phong Phú, H.Bình Chánh cho bà N.T.D.H (ngụ Q.5, TP.HCM). Bà H. yêu cầu phải chuyển mục đích sử dụng sang đất vườn và đề nghị ông Hồng làm hợp đồng ủy quyền cho một người tên Đào Thế Thìn làm thủ tục. Khi ông Hồng đặt bút ký vào hợp đồng ủy quyền thì Đào Thế Thìn nói quên đem theo giấy CMND nên chưa ký, rồi giữ lại hợp đồng này. Ông Hồng về nhà chờ mãi không thấy người tên Thìn đến ký hợp đồng nên ông đem giấy chứng nhận ra xem thì phát hiện có những dấu hiệu lạ: Giấy chứng nhận của ông trước đó bị rách, dán băng keo, ghi tỷ lệ 1/4.000, còn bản ông đang giữ thì mới tinh, ghi tỷ lệ 1/40.000. Ông Hồng lên Phòng TN-MT H.Bình Chánh hỏi thì tá hỏa khi biết Đào Thế Thìn đã dùng giấy chứng nhận của ông, ủy quyền tiếp cho một người khác tên Nguyễn Tiến Hải và Hải đã bán thửa đất trên. Qua kiểm tra, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất H.Bình Chánh xác nhận giấy chứng nhận ông Hồng đang giữ là giả.
Cảnh giác
Nếu gặp tình huống bị đánh tráo, lừa như trên, để bảo vệ tài sản, theo các luật sư, cả người mua nhà và chủ nhà (bên bị lừa) làm đơn tố cáo gửi công an để ngăn chặn tài sản không bị giao dịch tiếp, truy tìm thủ phạm; khởi kiện yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng bồi thường vì chứng thực các giao dịch, hợp đồng không phát hiện sự gian dối để kẻ lừa đảo thực hiện trót lọt hành vi phạm tội.